Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc; diện tích tự nhiên 5.199,6 km2, dân số hơn 1,2 triệu người với 36 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có huyện Trường Sa là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; có Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và giàu truyền thống cách mạng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đặc biệt là Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực phấn đấu, quyết tâm triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ nhiều nhiệm vụ quan trọng, tạo bứt phá mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Trong đó, việc xây dựng văn hóa, con người trong sự phát triển của tỉnh được cấp ủy, chính quyền rất quan tâm, coi trọng.
Các phát hiện khảo cổ học cho thấy, ngay từ buổi bình minh của lịch sử, con người đã cư trú ở Khánh Hòa. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết cư trú của họ ở Dốc Gạo (Khánh Sơn), Xóm Cồn, Hòa Diêm (Cam Ranh), Diên Sơn (Diên Khánh), Hòn Tre (Nha Trang) và một số nơi khác. Mỗi tộc người ở Khánh Hòa có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng từ lâu đời nhưng tất cả đều được thống nhất trong đa dạng và phát triển trong nền văn hóa chung. Tiêu biểu như tục thờ Bà chúa xứ sở Yang Pô Inư Nagar, tức bà Thiên Y A Na là sự giao thoa của văn hóa người Chăm và người Việt. Gắn với các tín ngưỡng dân gian là các lễ hội. Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20 đến 23/3 âm lịch hàng năm, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách tới hành hương, tham quan là điểm nhấn độc đáo của văn hóa, du lịch Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Am Chúa, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đình làng, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và những anh hùng dân tộc khác... Lễ hội của các dân tộc thiểu số như: Lễ ăn đầu lúa mới và các nghi lễ vòng đời. Toàn tỉnh có 08 tôn giáo được Nhà nước công nhận, đồng bào có đạo chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh. Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tỉnh Khánh Hòa là vùng đất ven biển, lại có ruộng đồng, núi rừng,người Khánh Hòa đã biết sử dụng những sản vật có từ thiên nhiên để chế biến những đặc sản đã đi vào tục ngữ, phương ngôn: Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh/Sò huyết Thủy Triều... Văn học dân gian, Khánh Hòa có những thần thoại, truyền thuyết, cổ tích gắn liền với các danh thắng như: Thần thoại về Ông Khổng lồ ở Suối Tiên (Diên Khánh), Truyền thuyết về Bà Mẹ Xứ sở Thiên Y A Na ở Am Chúa (Diên Khánh), Tháp bà Ponagar (Nha Trang); Sự tích Hòn Vọng Phu (Ninh Hòa), Sự tích về Hòn Vợ, Hòn Chồng (Nha Trang), hệ thống truyện thơ, trường ca, sử thi. Về văn học viết, Khánh Hòa quy tụ đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo góp phần làm nên diện mạo văn hóa “xứ Trầm, biển yến” với các tên tuổi như: Giang Nam, Thế Vũ, Võ Hồng, Nguyễn Hoàng Thu... Từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Khánh Hòa đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn tạo sự chuyển biến toàn diện trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt trong 02 năm gần đây, GRDP Khánh Hòa có tốc độ tăng trưởng ấn tượng: năm 2022, tăng 20,7%, dẫn đầu cả nước, năm 2023, tăng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước. 06 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 12,73%, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang), đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Sách ảnh Khánh Hòa xưa và nay Ảnh: Tác giả
Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người yếu thế, gia đình chính sách được phát huy và mở rộng. Đồng thời, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào thực chất hơn, đến nay toàn tỉnh đã phát động xây dựng được 927/937 thôn, khu phố văn hóa, đạt 98,9 %; phát động xây dựng 64/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 85% và 12/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 32%và 90/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 30/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được tỉnh quan tâm. Khánh Hòa hiện có 17 di tích xếp hạng quốc gia, 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TU, ngày 22/12/2023 về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa tỉnh năm 2024; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nổi bật như: Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653-2023) và 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924 - 2024), Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024; phối hợp Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều năm 2022; phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chuỗi sự kiện liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023… Đặc biệt, Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa, đã trở thành thương hiệu trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thu hút du khách và thúc đẩy du lịch Khánh Hòa phát triển. Thời gian qua, các cấp ủy đảng đã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, học tập chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/ TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), các Kết luận, Quy định của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, XII, XIII), tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ tỉnh.
Festival Biển 2023 với chủ đề Khánh Hòa - Khát vọng bừng sáng. Ảnh: Báo Khánh Hòa điện tử
Hội nghị Văn hóa tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ảnh: Báo Khánh Hòa điện tử
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người gắn với phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Thiếu các thiết chế văn hóa lớn xứng tầm với quy mô phát triển của tỉnh; mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa đô thị và nông thôn còn có sự chênh lệch; việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng; việc đầu tư nguồn lực vật chất, con người cho phát triển văn hóa tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội. … Trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tỉnh Khánh Hòa tập trung thực hiện tốt mục tiêu, xây dựng, phát triển văn hóa, con người:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa nói chung, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống nói riêng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Cần nhận thức sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển; văn hóa phải được đặt ngang với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển lâu dài. Thực hiện tốt quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ ba, về chính sách phát triển văn hóa và vấn đề xây dựng đời sống văn hóa. Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu một cách rất toàn diện các yêu cầu phát triển văn hóa, con người Khánh Hòa; chú trọng giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện từ việc triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh thời gian qua và phương hướng thời gian đến; phát huy vai trò của cấp ủy các cấp trong xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…
Thứ tư, đổi mới các hoạt động, dịch vụ văn hóa và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết là việc đổi mới mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp trên lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường, tự chủ về tài chính và sự thay đổi của thị hiếu thẩm mỹ, của các phương thức tiếp nhận văn hóa của công chúng; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có chuyên môn cao, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đặc sắc. Phát huy vai trò của các nghệ nhân và các chủ thể sáng tạo văn hóa; tôn vinh và có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân trong thực hành, truyền dạy di sản.
Khánh Hòa xác định rất rõ văn hóa, con người là nền tảng, sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với việc thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng; triển khai thực hiện có hiệu quả các di sản văn hóa; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là đường hướng quan trọng để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân lập nên những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.
CTV Hải Quang - BTGTU