Khánh Sơn: Phát triển lâm nghiệp gắn với tạo sinh kế cho hộ nghèo

Những năm qua, huyện Khánh Sơn đã triển khai nhiều chính sách liên quan đến giao đất rừng, bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), nhất là hộ nghèo; qua đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho các hộ dân trên địa bàn.

Tạo sinh kế cho người dân

Trước đây, gia đình bà Cao Thị Lan Hương (thôn Liên Bình, xã Sơn Bình) là một trong những hộ ĐBDTTS nghèo ở địa phương do thiếu đất sản xuất. Năm 2014, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tổ chức sản xuất trên diện tích rừng, đất rừng được giao để tạo sinh kế ổn định cho ĐBDTTS, gia đình bà Hương được bóc tách, giao 2,4ha đất sản xuất từ diện tích đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa. Trên phần diện tích này, ban đầu gia đình bà được hướng dẫn, hỗ trợ một phần để đầu tư trồng sầu riêng. Qua 2 vụ thu hoạch sầu riêng liên tiếp gần đây, mỗi vụ gia đình bà có nguồn thu lên đến 1 tỷ đồng/năm. “Từ một hộ nghèo, cái ăn cái mặc còn phải lo lắng mỗi ngày, nhờ chính sách bóc tách đất rừng để giao cho ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất và sự hỗ trợ của các cấp, ngành, hiện nay, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo bền vững từ trồng cây ăn quả. Không riêng gia đình tôi, trong xã còn có 68 hộ ĐBDTTS nghèo khác được giao đất rừng bóc tách từ ban quản lý rừng phòng hộ để phát triển kinh tế, hộ nào cũng có cuộc sống khấm khá hơn trước đây”, bà Hương vui mừng nói.

Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội và lãnh đạo UBND tỉnh thăm mô hình trồng sầu riêng trên đất bóc tách của gia đình bà Cao Thị Lan Hương

Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và lãnh đạo UBND tỉnh thăm mô hình trồng sầu riêng trên đất bóc tách của gia đình bà Cao Thị Lan Hương. Ảnh: T. THỊNH

Tại xã đặc biệt khó khăn Thành Sơn, việc triển khai các chính sách phát triển lâm nghiệp gắn với lợi ích của người dân cũng được địa phương chú trọng. Hàng năm, UBND xã tập trung triển khai việc giao khoán bảo vệ rừng đối với diện tích gần 188,8ha rừng do UBND xã quản lý cho 11 hộ ĐBDTTS nghèo của xã, với kinh phí 400.000 đồng/ha/năm. Theo ông Vũ Quang Lãm - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, nguồn thu từ nhận khoán bảo vệ rừng đã giúp cho các hộ nghèo có thêm nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Việc thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với lợi ích của người dân sinh sống gần rừng đã tạo thêm động lực cho người dân tham gia công tác phát triển lâm nghiệp, trước đây nhiều hộ còn e ngại khi nhận khoán bảo vệ rừng thì hiện nay đã mạnh dạn tham gia, thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng…

Theo báo cáo của UBND huyện, triển khai các chính sách về giao đất rừng, bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định và nâng cao đời sống của người dân, những năm qua, trên địa bàn có 423 hộ ĐBDTTS nghèo được giao đất rừng sản xuất, với tổng diện tích 1.032ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; toàn huyện có 222 hộ ĐBDTTS nghèo nhận khoán bảo vệ hơn 6.260ha rừng tự nhiên do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, UBND cấp xã quản lý, với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,5 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2017 - 2020, địa phương còn thực hiện hiệu quả Đề án khoanh nuôi và phát triển cây lồ ô tại các xã Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp khi đã khôi phục dần diện tích cây lồ ô tại các địa phương, bảo vệ môi trường, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu phục vụ nghề đan lát, thủ công mỹ nghệ, cải thiện thu nhập của các hộ tham gia...

Góp phần giảm nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện, việc triển khai hiệu quả các chính sách về giao đất rừng, bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định và nâng cao đời sống của người dân, nhất là hộ ĐBDTTS nghèo đã góp phần vào việc giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện, dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 22,9%. Tuy nhiên, thực tế triển khai các chính sách cho thấy, các khu vực thực hiện giao đất, khoán bảo vệ rừng chủ yếu trên núi cao, độ dốc lớn, rất khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, kiểm tra; việc rà soát đất chồng lấn giữa đất của hộ gia đình, cá nhân với các chủ rừng nhà nước còn nhiều khó khăn về hồ sơ pháp lý, ranh giới, mốc giới sử dụng đất giữa hồ sơ và thực tế chưa rõ ràng; mức hỗ trợ của Nhà nước, thu nhập từ hoạt động sản xuất lâm nghiệp còn thấp nên chưa khuyến khích nhiều hộ dân tham gia…

Mới đây, qua khảo sát và làm việc với huyện về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng DTTS và miền núi, đồng chí Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị địa phương bám sát các quy định mới của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; rà soát lại các quy hoạch, tránh việc chồng lấn đất trong quá trình giao đất, giao rừng cho người dân. Địa phương cũng cần thực hiện các mô hình sinh kế bền vững cho ĐBDTTS; tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư trong bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là hộ ĐBDTTS nghèo.


Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết