Khánh Vĩnh: Nỗ lực tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ về với gia đình, quê hương, đồng đội

Những năm qua, thấu hiểu được sự hy sinh mất mát to lớn của các gia đình có anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong những năm tháng kháng chiến khốc liệt để giành lấy nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, Ban chỉ đạo 24 huyện Khánh Vĩnh (Ban chỉ đạo thực hiện chế độ chính sách đối với công dân hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế) cùng với Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ trên địa bàn huyện để đưa các anh, các chú về với quê hương, đồng đội, về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà.

Ngày chủ nhật 21-7-2024, phóng viên cùng người thân có mặt cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo 24 huyện Khánh Vĩnh tại khu vực Bệnh xá Sông Cầu (nay thuộc khu vực của khu du lịch Yang Bay, ở thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú). Tất cả chúng tôi, cùng nhiều thân nhân liệt sĩ từ miền Bắc, Bắc Trung Bộ họ đã không nén được cảm xúc tại buổi khai quật các hài cốt liệt sĩ, chỉ mong sao tìm thấy di vật để xác định được người thân, để họ sớm có thể hoàn thành tâm nguyện đưa người thân về với quê hương, đồng đội, về với gia đình. Tuy nhiên, điều mà anh em trong ngày khai quật rất buồn, là trong 3 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy đều không còn nguyên vẹn, cũng như không có thông tin gì để xác định danh tính.

Đội công tác thuộc BCĐ 24 huyện Khánh Vĩnh tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Khu vực Trạm xá Sông Cầu dã chiến xưa, nay là khu du lịch

Trước đó, theo Ban chỉ đạo 24 huyện Khánh Vĩnh, người phát hiện và cung cấp những thông tin quý giá về những hài cốt của liệt sĩ trên là ông Kim Việt Hiệu, sinh sống tại thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh. Ông Hiệu cho biết khoảng từ năm 1996, gia đình vào lập nghiệp tại xã Khánh Phú và có khai hoang khu đất trên để làm rẫy thì bất ngờ phát hiện một số vật dụng, trong đó có rất nhiều bao áo mưa, xương, nòng súng bị hoen gỉ,… nhưng do thời điểm đó anh không biết nên vẫn tiến hành canh tác bình thường; mãi đến năm 2000-2001, khu đất trên được bàn giao để làm Công viên du lịch Yang Bay, thì gia đình chuyển về khu xóm mới, thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú để sinh sống. Qua theo dõi qua tivi về các chương trình tìm kiếm mộ liệt sĩ nên anh Hiệu hoài nghi về khu đất đó có các mộ liệt sĩ. Đồng thời, qua nhiều lời kể từ người dân về một trạm xá dã chiến thời kỳ chống Mỹ, nên ông Hiệu càng tin rằng khu vực này có hài cốt liệt sĩ. Vào khoảng tháng 7, năm 2023 trong một lần đi dự đám cưới nhà người quen, anh Hiệu có tâm sự cùng anh Nguyễn Trọng Hoàng, cán bộ Phòng Lao Động-Thương Binh xã Hội Huyện Khánh Vĩnh, sau đó sự việc được báo cáo với Ban chỉ đạo 24 huyện Khánh Vĩnh.

Đến tháng 11-2023, Ban chỉ đạo 24 huyện Khánh Vĩnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ban chỉ đạo 24 huyện đã phối hợp với Ban chỉ đạo 515 tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh tổ chức xác minh thông tin, danh tính các liệt sĩ, phối hợp cùng các nhân chứng lịch sử và người dân sống lâu năm ở đây cùng gia đình anh Hiệu và đã kết luận nơi đây có 7 liệt sĩ đã hy sinh tại Bệnh xá Sông Cầu và đã tìm thấy 3 liệt sỹ nhưng chưa xác định rõ danh tính và thân nhân cụ thể vì các nhận dạng gần như không còn.

Hành trình đưa các anh về với đồng đội

Ngày 23-7-2024, huyện Khánh Vĩnh cùng Ban chỉ đạo 515 tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ truy điệu, an táng 3 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Khánh Vĩnh. Trong buổi lễ này, dù cơ quan chức năng chỉ tìm được 3 hài cốt, nhưng gia đình của 7 liệt sĩ hy sinh ở đây đều có mặt. Từ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình xa xôi, ông Phạm Văn Ảnh (em út của liệt sĩ Phạm Văn Quyền, hy sinh năm 1972) có mặt trong buổi lễ bồi hồi và xúc động kể lại: Trong thời gian qua, gia đình đã tích cực tìm kiếm khắp nơi về thông tin của liệt sĩ Phạm Văn Quyền, trong đó có tiến hành đi tìm kiếm tại nghĩa Trang huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa nhưng không có kết quả. Khi có thông tin từ ban Chỉ đạo 24 huyện Khánh Vĩnh gia đình anh nhanh chóng có mặt tại xã Khánh Phú để cùng các ban ngành tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ. Ngậm ngùi đặt nhành hoa nơi linh cữu các liệt sĩ, ông Phạm Văn Ảnh xúc động, bùi ngùi khi đưa các anh hùng liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Phạm Văn Ảnh xúc động thắp nén nhang tri ân trước linh cữu các anh

Đồng chí Văn Ngọc Hường, Phó Bí thư, chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cùng đồng chí Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cùng tiễn đưa linh cữu các liệt sĩ về nơi an nghỉ

Tại buổi lễ, đồng chí Văn Ngọc Hường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh nhấn mạnh, các liệt sỹ đã cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy sinh của các anh đã tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc, để đất nước độc lập, tự do, đồng bào có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Các liệt sỹ từ nay sẽ mãi mãi yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Khánh Vĩnh, trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào". Hiện nay, công tác tìm kiếm liệt sỹ hiện nay ngày càng khó khăn vì địa hình đã thay đổi hoàn toàn so với lúc trước do quá trinh sinh sống, canh tác của người dân; thông tin thì ngày càng ít, nhân chứng thì ngày càng cao tuổi hoặc đã chết. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự huyện, tỉnh nói riêng và Ban Chỉ đạo 24 huyện Khánh Vĩnh cùng Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh Khánh Hòa luôn quyết tâm cao độ khắc phục khó khăn, luôn xác định làm việc vì cái tâm để tìm cho bằng được các anh, các chú về với gia đình, quê hương càng sớm càng tốt; đây là nhiệm vụ cao cả và trách nhiệm thiêng liêng, thể hiện lòng tri ân với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình để dành lấy nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đại tá Đinh Văn Hưng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa khẳng định, việc tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sỹ để đưa về với đồng đội là trách nhiệm chính trị, tình cảm và trách nhiệm trước các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận, xử lý gần 130 thông tin về mộ liệt sỹ, rà soát, hoàn thiện hồ sơ và danh sách liệt sỹ; giám sát trên 70 đợt khảo sát, quy tập hài cốt liệt sỹ trên các địa bàn; tổ chức trên 36 đợt lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ sau khi quy tập tại các nghĩa trang ở tỉnh.   

Đại tá Đinh Văn Hưng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa ( Ở giữa) cùng đồng đội kính cẩn chào trước linh cửu các anh

Nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ trong niềm vui xen lẫn nỗi buồn là tâm trạng của nhiều người khi tham dự Lễ truy điệu, an táng 3 hài cốt liệt sĩ, nhất là những người thân. Bởi sau hơn 52 năm hy sinh nằm vất vưởng đâu đó và rất nhiều năm tìm kiếm, tới tận hôm nay, dù chưa xác định được danh tính nhưng họ vẫn được về yên nghỉ ở một nơi trang trọng, để mọi người có dịp tri ân, nhang khói đàng hoàng. Đó là một hành trình dài, gian khổ mang nặng nghĩa tình đồng đội và trách nhiệm, tình cảm của các thế hệ đi sau trước những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Tôi xin dùng lời một đoạn thơ của tác giả Vũ Tuấn trong bài thơ “Lời Mẹ Dặn” để kết thúc bài viết, bài thơ thể hiện được nổi lòng mong ngóng của người thân về những người cha, người mẹ, người con, người anh,…đã ra đi và hy sinh vì đất nước được bình yên, hòa bình, độc lập, và hôm nay chúng ta phải có trách nhiệm đối với cha mẹ, người thân của họ, với người đã có công cách mạng, chiến đấu, hy sinh vì đất nước, dân tộc mình.

Tháng 7 về sao nghe nhói trong tim?

Nhớ dáng hình anh ra đi ngày đó

Gửi lại quê mối tình đầu vừa ngỏ

Hẹn ngày về, cưới tặng mẹ nàng dâu...

Anh đi rồi, mẹ thao thức đêm thâu

Ánh đèn khuya- ngóng tin từ tuyến lửa

Hòa bình rồi, nhưng anh không về nữa

Để trăng buồn qua khe cửa vỡ tan...

 

Thế Tài - Trung Tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao Khánh Vĩnh


Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết