Bên cạnh những lễ hội dân gian truyền thống, thời gian qua, thị xã Ninh Hòa cũng quan tâm tổ chức các lễ hội mới gắn với những hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn. Địa phương cũng hướng dẫn, quản lý việc tổ chức các lễ hội chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tinh thần của người dân.
Lễ hội thuyền hoa và đua thuyền trên sông Dinh thu hút đông đảo người dân và du khách. |
Trải qua nhiều thời kỳ, người dân Ninh Hòa vẫn giữ gìn được nhiều lễ hội truyền thống trong phạm vi làng, xã. Cứ sau Tết Nguyên đán hằng năm, người dân ở nhiều nơi lại tổ chức lễ hội cúng lăng, cúng đình ở các làng biển, làng nông nghiệp, lễ cúng Yang (trời) của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương miền núi. Những lễ hội truyền thống này được người dân tổ chức với mục đích cầu quốc thái dân an, những điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống đến với từng gia đình, cộng đồng dân cư. Tuy quy mô của những lễ hội truyền thống này không lớn, nhưng lại có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng, tâm linh rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân. Do đó, gần như năm nào, các làng cũng đều tổ chức lễ hội của làng mình. Để việc tổ chức những lễ hội tại các di tích, cơ sở thờ tự được diễn ra nền nếp, đúng quy định của Nhà nước, hương ước của xóm làng…, chính quyền địa phương đã thành lập các ban thờ tự, ban quản lý để điều hành, tổ chức lễ hội. “Đình làng Đông Hải chúng tôi thường tổ chức lễ cúng vào ngày 14 tháng 3 âm lịch hằng năm. Phần lễ sẽ do các bô lão và thành viên ban quản lý đình thực hiện một cách trang nghiêm; phần hội có các trò chơi đua thuyền, lắc thúng, kéo co và hát bội. Những hiện tượng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, bài bạc trá hình dần được loại bỏ”, ông Nguyễn Bảy (người dân phường Ninh Hải) cho biết.
Đối với các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao mới được hình thành trong những năm gần đây như: Lễ hội thuyền hoa và đua thuyền trên sông Dinh; lễ hội ẩm thực Ninh Hòa; hội thi đấu cờ người mừng Đảng - mừng xuân… đều được UBND thị xã triển khai tổ chức với quy mô lớn và có sự tham gia đông đảo của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến các xã, phường. Đây cũng là những lễ hội thu hút số lượng lớn người dân, khách du lịch trong và ngoài thị xã đến tham dự. Thông qua việc tổ chức những lễ hội mới này vừa đáp ứng nhu cầu vui xuân, đón Tết của người dân, vừa góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương đến bạn bè gần xa, thu hút khách du lịch đến với thị xã Ninh Hòa ngày càng nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, để việc tổ chức các loại hình lễ hội truyền thống, lễ hội mới hình thành được diễn ra vui tươi, đúng quy định, chính quyền địa phương cùng tổ chức đoàn thể các cấp đã tích cực tuyên truyền, phối hợp triển khai tổ chức hoạt động lễ hội. Trong đó, chú trọng việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy... tại các cơ sở, địa điểm diễn ra lễ hội. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động lễ hội; thường xuyên hướng dẫn các ban thờ tự, ban quản lý ở các cơ sở thờ tự, di tích tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn và đúng quy định pháp luật.
Trong thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường hơn công tác quản lý và tổ chức lễ hội, khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội tại địa phương. Trong công tác tuyên truyền sẽ có những đổi mới về cách thức, nội dung để phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã phối hợp với các xã, phường kịp thời hướng dẫn, triển khai các văn bản, quy định mới của Nhà nước đến các ban quản lý, ban thờ tự trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội tại cơ sở; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện không phù hợp để xử lý, điều chỉnh…
Theo https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202412/ninh-hoa-lam-tot-cong-tac-quanly-va-to-chuc-le-hoi-d2207ee/