Hội nghị Văn hóa tỉnh Khánh Hòa năm 2024 không chỉ là dịp để nhìn nhận, đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa, con người xứ Trầm Hương. Thông qua hội nghị, có nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học nhằm góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tình hình mới. Trích đăng ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học gửi về hội nghị:
* PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Xây dựng hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Khánh Hòa trong thời đại mới
|
Người dân Việt Nam vẫn truyền nhau câu ca: “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương/Non cao biển rộng, người thương đi về/Yến sào ngon ngọt tình quê/Sông sâu đá tạc lời thề nước non”. Câu ca dao trên đã khái quát được những đặc điểm về địa lý tự nhiên, về sản vật đặc trưng và cả tính cách, tâm hồn của con người Khánh Hòa. Sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi lại những nét đẹp về văn hóa của vùng đất và con người Khánh Hòa: “Phong tục thuần hậu, tập quán quê mùa. Kẻ sĩ chất phác mà trầm tĩnh, nhân dân kiệm mà lành, quần áo dùng vải trắng, ít thích lòe loẹt. Dân ở ven biển làm nghề chài lưới, dân ở ven núi làm nghề cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm dệt cửi…, phần nhiều đơn giản không chuộng xa hoa. Các việc đám cưới, đám ma hay giúp đỡ lẫn nhau”. Qua nhiều thế kỷ cộng cư và hòa cư, người Việt đã giao lưu, tiếp nhận và tiếp biến những tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em và tinh hoa văn hóa nhân loại để từ đó tạo nên một bản sắc văn hóa của chính mình, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, trong văn hóa truyền thống ở Khánh Hòa ta sẽ nhận thấy có sự ảnh hưởng và đan xen những sắc thái văn hóa giữa người Việt với người Chăm, người Raglai và với cả người Hoa, người phương Tây, trong đó văn hóa của người Việt là chủ thể. Khánh Hòa là một tiểu vùng văn hóa, nhưng vẫn là một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa truyền thống Việt Nam, văn hóa Khánh Hòa đã hình thành nên con người Khánh Hòa hồn hậu, giản dị, phóng khoáng song cũng thật nghĩa tình, thủy chung. Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã và đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác mọi tiềm năng và thế mạnh; vừa mở rộng hợp tác giao lưu với nước ngoài, vừa quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử và nhân văn vô cùng quý báu mà các thế hệ cha ông đã để lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Những giá trị quý giá đó đã, đang và sẽ góp phần làm phong phú và tô đậm thêm bản sắc văn hóa, con người của xứ sở Trầm Hương.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Khánh Hòa trong thời đại mới không tách rời nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam nói chung, đồng thời cần chú ý đến những nét đặc trưng của vùng đất, văn hóa, con người nơi đây trong mối liên hệ tổng thể giá trị văn hóa của đất nước; chú ý tính đa dạng, giao thoa văn hóa của vùng đất Khánh Hòa; nét đặc trưng văn hóa tộc người; việc phát huy không gian văn hóa xứ Trầm Hương, văn hóa yến sào Khánh Hòa… Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng nếp sống mới, chuẩn mực văn hóa mới, xây dựng, phát triển và sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tính đa dạng, bản sắc văn hóa của các dân tộc, các vùng, miền. Hướng mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vào việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người. Xây dựng hệ giá trị con người Khánh Hòa với những đức tính tốt đẹp: Hiền hòa - hào hiệp - giản dị - phóng khoáng - nghĩa tình - thủy chung. Xây dựng hệ giá trị vùng đất, văn hóa Khánh Hòa - Xứ Trầm, Biển Yến - Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đa dạng hội nhập- Xã hội hiện đại, văn minh- Nhân dân phồn vinh, hạnh phúc; góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
* PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành một trung tâm lớn của cả nước về văn hóa
PGS.TS Bùi Hoài Sơn. |
Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết số 09 nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh, đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành văn hóa, nghệ thuật để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, Nghị quyết số 09 không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển cụ thể cho Khánh Hòa mà còn cung cấp một khung chính sách rõ ràng để tỉnh có thể hướng tới sự phát triển bền vững, hiện đại và toàn diện trong tương lai, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Để triển khai tốt Nghị quyết số 09, trong lĩnh vực văn hóa, Khánh Hòa cần tập trung xử lý mối quan hệ giữa xây dựng và phát triển văn hóa, con người Khánh Hòa với sự phát triển đồng bộ của kinh tế. Cách thức khai thác giá trị văn hóa phải tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển chung của tỉnh, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về văn hóa. Tỉnh cũng cần giải quyết hài hòa mối tương quan giữa mục tiêu nhân văn của văn hóa với những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường; xử lý được mâu thuẫn giữa nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, càng khắt khe của nhân dân với khả năng đáp ứng có hạn của đội ngũ sáng tác, biểu diễn và quản lý văn hóa; phát triển hài hòa, đúng mức giữa văn hóa tinh hoa và văn hóa đại chúng; xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và mở cửa, hội nhập về văn hóa với thế giới...
Nhằm thực hiện được những chính sách đột phá để phát triển văn hóa ở tỉnh Khánh Hòa, trước hết cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết về tình hình văn hóa hiện tại, bao gồm các di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng văn hóa, nhu cầu và mong muốn của cộng đồng; xác định các tiềm năng phát triển văn hóa của tỉnh và những thách thức cần phải giải quyết để đưa ra các giải pháp phù hợp; tăng cường đầu tư và hỗ trợ tài chính từ ngân sách của tỉnh và tìm kiếm các nguồn tài chính bổ sung từ khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế; đầu tư vào xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa, như: Bảo tàng, nhà hát, trung tâm văn hóa, thư viện. Cùng với đó, cung cấp, hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động sáng tạo, đổi mới trong các lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo gắn với các sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia, quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về văn hóa thông qua việc tạo điều kiện cho sự hợp tác trong việc triển khai các dự án văn hóa...
* TS Trịnh Đăng Khoa - Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh:
Đổi mới mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp trên lĩnh vực văn hóa
TS Trịnh Đăng Khoa. |
Hiện nay, sự vận động, biến đổi và phát triển trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã đặt ra cho Đảng và Nhà nước nhiệm vụ mới trong việc xây dựng hệ thống đơn vị sự nghiệp văn hóa công có chất lượng để thu hút công chúng đến thụ hưởng. Mặt khác, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống đơn vị sự nghiệp văn hóa công luôn gắn với đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Vì vậy, đời sống chính trị - xã hội thay đổi, đòi hỏi hệ thống này cũng phải đổi mới cho phù hợp để thực hiện đầy đủ, hiệu quả những chức năng, nhiệm vụ của mình. Những năm gần đây, các đơn vị sự nghiệp trên lĩnh vực văn hóa ở các tỉnh, thành phố phía nam đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi để đổi mới mô hình hoạt động.
Từ thực tế nêu trên, tỉnh Khánh Hòa có thể nghiên cứu ban hành những chính sách cụ thể trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành để các đơn vị sự nghiệp về văn hóa thuận lợi hơn trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, nhằm tăng năng lực cạnh tranh với các chủ thể tư nhân cùng lĩnh vực. Tập thể lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công về văn hóa cần đủ dũng cảm, quyết tâm chính trị cao để có thể vượt qua tâm lý e ngại, sợ thất bại trong việc từng bước đưa đơn vị mình thực hiện chu trình, lộ trình tự chủ tài chính; tìm kiếm sự tham vấn từ các chuyên gia có uy tín ở những lĩnh vực phù hợp để xây dựng lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp công về văn hóa cần xây dựng đề án khai thác mặt bằng hoặc đề án tự chủ tài chính, đề án phát triển dịch vụ, chiến lược phát triển đơn vị… được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở pháp lý hoạt động của đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công về văn hóa cần hội đủ những điều kiện về nguồn lực con người có chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất tốt, mạng lưới đối tác đủ mạnh.
Cùng với việc đổi mới mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp trên lĩnh vực văn hóa, tỉnh cũng cần nâng tầm chất lượng các sự kiện văn hóa thông qua việc xây dựng đề án tổ chức lễ hội và sự kiện. Trong đó, cần có danh mục các sự kiện và lễ hội lớn được tổ chức định kỳ hàng năm, hoặc theo chu kỳ 2 năm/lần; từng bước nâng cao năng lực tổ chức sự kiện, lễ hội của các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh; xây dựng được mạng lưới đối tác trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực tổ chức sự kiện, lễ hội đương đại để tạo nguồn lực tổng thể, đặc biệt là nguồn lực con người và tài chính; khai thác triệt để và hiệu quả yếu tố công nghệ hiện đại trong nhiều khâu tổ chức một sự kiện, lễ hội…
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202408/chao-mung-hoi-nghi-van-hoa-tinh-khanh-hoa-nam-2024-de-gop-phan-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-xu-tram-huong-441782e/