Bước tiến trong phát triển nuôi biển công nghệ cao

Mới đây, Hợp tác xã (HTX) Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đây là bước đi cụ thể hóa Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở rộng thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh.

Hợp tác xã nuôi biển công nghệ cao đầu tiên

Mới đây, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Vạn Ninh tổ chức lễ ra mắt HTX Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh. HTX có vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng, có trụ sở tại thôn Tân Đức (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh), với 5 thành viên đều là những hộ nuôi biển có nhiều kinh nghiệm và đã bắt đầu ứng dụng công nghệ nuôi bằng lồng HDPE vào nuôi tôm hùm và các loài cá biển.

Đồng chí Lê Hữu Hoàng thả con giống vào lồng nuôi của HTX nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh

Đồng chí Lê Hữu Hoàng thả con giống vào lồng nuôi của Hợp tác xã Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh.

Đồng chí  Nguyễn Phong Vũ - Giám đốc HTX Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh chia sẻ: "Sau nhiều năm phát triển nuôi biển bằng lồng bè gỗ truyền thống với nhiều bất cập, nhất là các hệ lụy về môi trường, chúng tôi đã chuyển dần sang nuôi biển bằng lồng nuôi vật liệu HDPE thân thiện hơn với môi trường; đặc biệt là có thể chịu được sóng gió lớn. Chính vì vậy, khi UBND huyện Vạn Ninh có chủ trương thành lập HTX Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh, 5 thành viên chúng tôi đã mạnh dạn tham gia vào HTX. Chúng tôi sẽ phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn của tỉnh, của huyện để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, con giống và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác đến từng thành viên để đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến không chỉ bảo vệ môi trường biển mà còn đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản nuôi của thị trường quốc tế”.

Trước đó, từ thành công của Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập (TP. Cam Ranh), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Liên minh HTX tỉnh nghiên cứu thành lập mô hình tổ hợp tác, HTX nuôi biển công nghệ cao. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HTX Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh là HTX nuôi biển công nghệ cao đầu tiên trong tỉnh được thành lập. Theo đồng chí Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, việc thành lập HTX Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh là bước đi cụ thể hóa Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở rộng thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tỉnh kỳ vọng HTX sẽ phát triển mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả, thu hút thêm nhiều thành viên mới để nhân rộng ra nhiều vùng nuôi khác trong tỉnh. 

Mở rộng mô hình thí điểm

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao, tỉnh sẽ tập trung xây dựng nghề nuôi biển theo hướng tăng năng suất, giá trị ngành hàng, nâng cao thu nhập cho người nuôi thông qua giải quyết việc làm, hướng tới xuất khẩu thủy sản tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, góp phần bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, giảm áp lực nuôi biển ven bờ, giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế biển tại các khu vực biển trọng điểm.

Lồng tròn chất liệu HDPE được sử dụng để nuôi cá biển.

Lồng tròn chất liệu HDPE được sử dụng để nuôi cá biển.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh sẽ được triển khai trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến hết năm 2025, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 30ha (150 hộ); tổng kinh phí dự kiến hơn 75,3 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup, ngân sách tỉnh hỗ trợ, đối ứng của người nuôi, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Giai đoạn 2, từ năm 2026 đến 2027, mở rộng thí điểm trên quy mô 100ha; tổng kinh phí dự kiến khoảng 225 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, người dân đối ứng, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Giai đoạn 3, từ năm 2028 đến 2029, mở rộng mô hình trên quy mô 110ha; tổng kinh phí dự kiến 245 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, đối ứng của người nuôi, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi.

Để triển khai kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao 9 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương ven biển. Trong đó, tập trung thực hiện khảo sát, mở rộng các vùng nuôi ngoài các vùng nuôi đã được xác định; tăng cường quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản; xác định rõ quy mô, vị trí mở rộng khu vực thí điểm nuôi biển công nghệ cao theo từng giai đoạn gắn với việc tổ chức sắp xếp lại vùng nuôi. Bên cạnh đó, xây dựng các bộ tiêu chuẩn cho các lồng bè nuôi biển công nghệ cao và tiến hành kiểm định, công nhận chất lượng theo quy định; chủ động kết nối, đặt hàng các chuyên gia, doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất con giống, thức ăn phục vụ nuôi biển công nghệ cao; đề xuất chính sách bảo hiểm liên quan đến hoạt động nuôi biển; đề xuất chính sách tín dụng đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao...  


Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết