Sáng 28-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung, trong đó lưu ý các nội dung về mức độ chi tiết, cụ thể về thời kỳ, thời hạn, tầm nhìn của quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; phân cấp điều chỉnh quy hoạch; kinh phí, nguồn lực hỗ trợ quy hoạch; tổ chức quy hoạch… và các nội dung đại biểu quan tâm. Đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.
Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa. |
Tham góp ý vào dự án Luật, đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Dự thảo Luật đã thiết kế logic, rõ ràng 9 nhóm nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan; đáp ứng yêu cầu triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.
Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, đây là sự đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác quy hoạch đô thị và nông thôn. Đại biểu tin tưởng, những nội dung mới của dự thảo Luật sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý tại khu vực đô thị và nông thôn; đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2020 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện Luật trong thực tiễn, đại biểu trân trọng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm một số vấn đề sau:
1. Dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn (quy hoạch chung) có thời hạn 20-25 năm là phù hợp với lộ trình triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng tại đô thị, nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm. Vì vậy, dự thảo Luật cần có quy định, yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp với kỳ quy hoạch theo quy hoạch tỉnh. Đồng thời, rà soát quy định tại Điều 5, cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn, giao thoa giữa khu chức năng và đô thị, giữa khu chức năng và nông thôn, giữa đô thị và nông thôn.
2. Nghiên cứu điều chỉnh quy định về nội dung yêu cầu của quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng cơ quan, tổ chức lập quy hoạch được lựa chọn tiếp tục lập quy hoạch chung hoặc được lập các quy hoạch phân khu ngay sau khi quy hoạch chung thành phố được duyệt nhằm tiết kiệm thời gian (tương tự như quy định tại dự thảo Luật đối với khu chức năng thuộc khu vực đã có quy hoạch chung được duyệt thì lập ngay quy hoạch phân khu).
3. Nghiên cứu mở rộng quy định về đối tượng lập quy hoạch để làm cơ sở quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng; bởi lẽ trong thực tiễn có những đối tượng cần lập quy hoạch xây dựng để quản lý như các khu chức năng có tính chất đặc thù chuyên ngành được định hướng hình thành trên địa bàn xã (khu vực xây dựng công trình sản xuất năng lượng tái tạo, các khu vực nuôi trồng thủy sản có xây dựng công trình, khu công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp...), khu vực công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, các dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh nhưng không thuộc phạm vi đô thị, khu chức năng và điểm dân cư nông thôn...Tuy nhiên, quy định hiện hành về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn chưa rõ ràng, cụ thể đối với những đối tượng này.
4. Dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm rà soát quy hoạch, thời điểm và thời hạn rà soát quy hoạch. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng công tác rà soát quy hoạch cần quy định rõ hơn nội dung rà soát và việc rà soát, đánh giá thực hiện theo quy hoạch phải được xem xét như một yêu cầu về trình tự trước khi điều chỉnh quy hoạch.
5. Dự thảo Luật đã đề xuất quy định cụ thể hơn về điều kiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số dự án đã được hình thành từ cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh (đặc biệt là các dự án giao thông, cấp điện, năng lượng...) song phải chờ điều chỉnh quy hoạch đô thị mới được triển khai dẫn tới chậm tiến độ. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, khoa học; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn triển khai thực hiện dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hiện nay.
6. Tại Điều 18 Mục 1 Chương II dự thảo Luật đề xuất quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch gồm hình thức thi tuyển ý tưởng quy hoạch và giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết nội dung này. Để góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu lực quy định pháp luật; đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định này vào dự thảo Luật như quy định về thi tuyển phương án kiến trúc tại Luật Kiến trúc năm 2019. Trong đó, cần quy định rõ trường hợp áp dụng thi tuyển, thời điểm tổ chức thi tuyển trong quá trình chuẩn bị, triển khai lập quy hoạch, thẩm quyền quyết định, việc sử dụng kết quả thi tuyển...
7. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, bao gồm: Hoạt động được Nhà nước hỗ trợ đầu tư và hoạt động khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được đổi mới và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia công tác quy hoạch. Tuy nhiên, nội dung này cần cụ thể hơn trong dự thảo Luật, phân định rõ hai nhóm chính sách là ưu tiên hỗ trợ và khuyến khích. Bổ sung các nội dung Nhà nước hỗ trợ, ưu tiên bố trí kinh phí cho một số hoạt động như: Lập quy hoạch gắn với tổ chức khu dân cư tại vùng khó khăn, chịu ảnh hưởng thiên tai; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và nâng cao kiến thức cộng đồng.
8. Nghiên cứu giản lược các quy định về thời hạn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; nhất là thời gian mang tính thủ tục hoặc chuyển sang quy định tại Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật để bảo đảm linh hoạt cho quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, rà soát quy định về chuyển tiếp bảo đảm đầy đủ, thống nhất, xuyên suốt trong quá trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ, để tiếp thu hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8./.
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202406/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-quy-hoach-do-thi-vaquy-hoach-nong-thon-d5a1752/