Tăng biên chế giúp Công đoàn Việt Nam phát triển vững mạnh

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương. Đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp.

Tại Hội nghị giao ban báo chí diễn ra tại Thái Nguyên vừa qua, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu thực tế: “Tại công đoàn cơ sở hiện nay, chúng ta phải chấp nhận ông chủ doanh nghiệp tự tuyển người về làm cán bộ công đoàn vì không có cán bộ công đoàn chuyên trách. Người sử dụng lao động trả lương, do đó, yêu cầu cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt là khó!”.

Biên chế dành cho cán bộ công đoàn là chủ đề nhận được quan tâm lớn trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Biên chế dành cho cán bộ công đoàn là chủ đề nhận được quan tâm lớn trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn theo các quy định hiện hành cũng bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Hiện cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức công đoàn địa phương trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn. Thực tế những địa phương có đông đoàn viên và người lao động, số lượng biên chế với cán bộ công đoàn lại ít hơn so với những địa phương có ít đoàn viên, người lao động hơn. Việc không thể điều chuyển được từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng đang là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ công đoàn.

"Thành phố Tân Uyên (Bình Dương), có khoảng 96.000 đoàn viên, 554 công đoàn cơ sở nhưng chỉ có 4 cán bộ công đoàn. Tức là, mỗi cán bộ công đoàn phụ trách chăm lo trên 100 cơ sở, gần 25.000 đoàn viên. Đó là khối lượng công việc khổng lồ!", đồng chí Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng.

Bởi vậy, trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra trong tháng 10 và 11/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương. Đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp. Việc cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân do công đoàn quản lý, trả lương đảm bảo tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng định mức, khung tiêu chí xác định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cũng đáp ứng chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về: “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế”. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương. 

Một ví dụ khác là tính đến tháng 3/2024, tổng số biên chế công đoàn địa phương được các tỉnh, thành ủy giao năm 2024 là 5.119 biên chế. Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam ngày càng nặng nề nhưng biên chế công đoàn lại rất thấp so với các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Tổng hợp báo cáo của Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/3/2024, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho 04 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tính cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là 62.141 biên chế. Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 16.116 biên chế; Hội Nông dân có 14.436 biên chế; Hội Liên hiệp Phụ nữ có 15.509 biên chế; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có 16.080 biên chế!

Theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, căn cứ vào số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở, tổng số biên chế tối thiểu cần thiết cho các cấp công đoàn tại địa phương là 5.899 biên chế. Như vậy, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho công đoàn đang thấp hơn so với nhu cầu tối thiểu của tổ chức công đoàn là 780 biên chế.

"Trong bối cảnh số lượng đoàn viên liên tục tăng và xuất hiện cạnh tranh công đoàn, việc cho phép công đoàn tuyển chọn và sử dụng lao động hợp đồng cho các nhiệm vụ chuyên môn giúp đáp ứng nhu cầu về nhân sự, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ ngày càng phức tạp đồng thời, điều này tạo sự linh hoạt trong việc bố trí cán bộ, đặc biệt tại các doanh nghiệp", đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhận định.

Luật Công đoàn hiện hành (còn gọi là Luật Công đoàn 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 5 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn năm 2012. Một số nội dung thay đổi chủ yếu như: Sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được kỳ vọng đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. Không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam, mà còn góp phần giúp Công đoàn Việt Nam phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Theo Dangcongsan.vn


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết