Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng xác định: “... Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước...”.

Không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia. Đấu tranh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng thiết yếu, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Đấu tranh trên không gian mạng

Internet và mạng xã hội đã và đang mang lại nhiều giá trị tích cực; gắn kết cộng đồng, chia sẻ tình cảm, giao lưu công việc, kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và trên các lĩnh vực chính trị, xã hội... Thông qua đó, thông tin được truyền tải nhanh chóng, có tính lan toả rộng. Tuy nhiên, trên không gian mạng, bên cạnh số đông người sử dụng có ý thức, trách nhiệm thì vẫn còn những phát ngôn lệch chuẩn, đi ngược lại đạo lý, truyền thống của dân tộc, trở thành một trong những yếu tố tiềm năng nhất trong lan truyền quan điểm sai trái, thù địch; gây khó khăn cho sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, đồng thuận xã hội; gây mất ổn định an ninh chính trị, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt, các thế lực thù địch lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chat GPT... tạo ra những nguy cơ, thách thức mới.

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng là mặt trận quyết liệt, phức tạp và lâu dài. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là mạng xã hội với khả năng tương tác, tạo hiệu ứng nhanh, rất khó kiểm soát, quản lý, giám sát, kiểm duyệt. Phương thức chủ yếu là tạo nguồn tin thật-giả lẫn lộn, gây nhiễu dư luận; cổ xúy tư tưởng đối lập, kích động, chống đối, chống phá rất bài bản, chặt chẽ, có mục tiêu rõ ràng, đó là: Tuyên truyền chống phá, kêu gọi tụ tập, biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng bằng thủ đoạn “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “diễn biến hòa bình”.

Ảnh minh họa / ttxvn 

Ảnh minh họa / ttxvn 

Đáng chú ý: Một số quốc gia vẫn đang bí mật triển khai các hoạt động trinh sát, giám sát, tình báo, bố trí hệ thống vũ khí mạng, sẵn sàng tấn công, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng. Các tổ chức phản động đều xây dựng tài khoản mạng xã hội, các kênh truyền thông, kết nối các đối tượng chống đối trong và ngoài nước xuyên biên giới “lớn giọng” rao giảng và chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, cho rằng Việt Nam là “kẻ thù của internet”; phát triển các kênh truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số, xúi giục các hoạt động ly khai, tự trị; móc nối, lôi kéo các đối tượng cơ hội chính trị, có cả cán bộ đương chức, một số cán bộ nghỉ hưu và thành phần chống đối trong trí thức, văn nghệ sĩ tăng cường chống Đảng; luôn rêu rao cho cái gọi là “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”.

Các thế lực thù địch lợi dụng những sơ hở trong xử lý đất đai, vụ án kinh tế, công cuộc chống tham nhũng... tán phát bài xuyên tạc, hướng lái dư luận làm rối loạn an ninh chính trị trên mạng xã hội. Lợi dụng thông tin báo chí chính thống về các sự kiện chính trị, biển, đảo, những diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực... để tạo khách quan, rồi lồng ghép thông tin hư cấu, bóp méo sự thật. Lợi dụng sự hiếu kỳ, thiếu hiểu biết của không ít người dân để kích động cộng đồng mạng tham gia tán phát thông tin xấu độc, tạo dư luận xã hội để từ đó đẩy lên thành các vấn đề chính trị, gây nhiễu loạn thông tin.

Bởi vậy, nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng chính là cuộc đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là vấn đề mang tính cấp thiết, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội.

Bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng

Chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận không thể tách rời của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Bởi vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ hệ thống thông tin, các dữ liệu, tài nguyên số, bảo đảm tính vẹn toàn, bí mật, sẵn sàng của thông tin. Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, nhất là trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh, không gian mạng đã trở thành môi trường tiến hành tác chiến mạng, tác chiến thông tin, đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa khai thác, sử dụng và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành để huy động mọi nguồn lực. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thường xuyên, liên tục với nội dung và biện pháp phù hợp, hiệu quả. Tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh mạng quốc gia.

Hoàn thiện chiến lược bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng. Bổ sung, thể chế hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục triển khai việc xác lập và thực thi đầy đủ chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam trên không gian mạng. Hoàn thiện khung khổ luật pháp quốc gia, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với các quy định quốc tế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng. Sẵn sàng ứng phó với các thách thức an ninh mạng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng. Tự chủ công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng công nghệ, phần cứng, từ hạ tầng lõi đến các thiết bị điện tử cá nhân để hạn chế sự xâm nhập các mã độc, bởi hiện nay chúng ta cơ bản nhập khẩu từ nước ngoài nên độ bảo mật vẫn còn nhiều lỗ hổng. Chủ động “xây” và “chống”, “đấu tranh” và “bảo vệ”, kịp thời phát hiện và đáp trả các mối đe doạ an ninh mạng, gián điệp mạng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.

Tăng cường củng cố và phát triển lực lượng chuyên trách, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng, bảo đảm tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén về chính trị, hiểu biết pháp luật. Hiện đại hoá vũ khí, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tác chiến mạng và an ninh mạng trong tình hình mới. Huy động sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Quân đội, Công an, thông tin-truyền thông và các lực lượng khác, trong đó Quân đội và Công an làm nòng cốt. Tập trung đấu tranh với các đối tượng, như: Các thế lực thù địch, đồng minh, tay sai có âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng can thiệp, xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa; các tổ chức phản động trong và ngoài nước; lực lượng cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có âm mưu, hành động cấu kết với thế lực bên ngoài, sử dụng không gian mạng chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng thực hiện các hoạt động xâm nhập, phá hoại về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, không gian mạng là môi trường tác chiến, cho phép người chỉ huy, người lính sử dụng hệ thống thông tin quản lý, điều hành, điều khiển vũ khí, trinh sát kỹ thuật; sử dụng các hệ thống tự động hoá chỉ huy để tương tác trong các hoạt động tác chiến. Sự ra đời không gian mạng xuất hiện hình thái chiến tranh và lực lượng tác chiến mới, ví như cuộc chiến Nga-Ukraine... đã làm thay đổi học thuyết, tư duy và phương thức tiến hành chiến tranh.

Trên cơ sở công tác quản lý của Nhà nước về các dịch vụ trên không gian mạng, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, địa phương để tạo thế trận phòng thủ vững chắc; giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; nâng cao ý thức và năng lực tự bảo vệ của người dân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái chống phá Việt Nam. Tham gia các công ước quốc tế phù hợp với luật pháp Việt Nam. Phối hợp có hiệu quả trong thực thi các nghị định thư, thoả thuận hợp tác phòng, chống tội phạm.

Đấu tranh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong tiến trình thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không gian mạng vừa mang lại nhiều cơ hội mới để xây dựng và phát triển đất nước, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức chi phối, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số để xây dựng Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, phát triển.

Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng


Theo qdnd.vn


Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết